Bổ sung axit folic cho bà bầu như thế nào
Axit folic hay còn gọi là vitamin B9 là vitamin không thể thiếu trong quá trình mang thai. Ngay từ khi có dự định mang thai, mẹ đã được khuyên là nên bổ sung thêm axit folic cho cơ thể. Nhưng thật ra, không phải ai cũng biết được sự quan trọng của axit folic và phải bổ sung axit folic như thế nào là tốt nhất.
Mục lục
Liều lượng sử dụng axit folic trong thai kỳ
Tùy theo thể trạng của mỗi người, bác sĩ sẽ kê lượng folic phù hợp hằng ngày. Theo khuyến cáo, hướng dẫn chung là như sau:
-Phụ nữ đang chuẩn bị mang thai nên dùng 400 mcg axit folic mỗi ngày.
-Bà bầu nên dùng 600-1000 mcg axit folic mỗi ngày..
-Trường hợp các mẹ con bị dị tật bẩm sinh như nứt đốt sống hay thiếu một phần não, và dự định sinh thêm con, nên hỏi bác sĩ trước khi uống. Thông thường những trường hợp này cần tới khoảng 4.000 mcg axit folic mỗi ngày.
Mặc dù axit folic không thể thiếu nhưng không vì vậy bạn lại dùng quá liều. Một lượng lớn axit folic dư thừa trong cơ thể gây tác hại khá xấu cho sức khỏe. Sự tăng trưởng nhanh chóng của tế bào mới dễ dẫn đến thoái hóa tủy sống. Đặc biệt, đối với trường hợp người có khối u, uống nhiều axit folic làm cho khối u phát triển nhanh hơn.
Ngoài ra, nhẹ hơn, mẹ bầu có thể phải đối mặt với chứng ngứa, nổi ban, mề đay và rối loạn tiêu hóa nếu bổ sung folate quá liều. Cách “chữa cháy” nhanh nhất lúc này đó là uống nhiều nước để đào thải bớt lượng axit dư thừa ra khỏi cơ thể bằng đường tiểu.
Vai trò quan trọng của axit folic trong thai kỳ
Là một trong những vitamin B rất cần thiết với việc sản xuất tế bào mới, đặc biệt là hồng cầu, axit folic đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chế độ dinh dưỡng khi mang thai. Thiếu axit folic rất dễ gây ra các bệnh liên quan đến rối loạn ống dây thần kinh, gây dị tật bẩm sinh, hiện tượng thiếu một phần não ở thai nhi.
Tất cả các khiếm khuyết này xảy ra trong 28 ngày đầu của thai kỳ, thời điểm hầu hết các mẹ đều chưa biết được mình đang có thai. Theo các chuyên gia, axit folic thậm chí còn giúp phòng dị tật về môi, tim, ống tiểu và chân tay ở trẻ mới sinh. Vì vậy, việc bổ sung axit folic trước và trong khi mang thai là cực kỳ quan trọng và cần thiết.
Bổ sung axit folic như thế nào?
Bổ sung từ thực phẩm
Ngoài việc bổ sung axit folic qua các dạng viên uống, mẹ bầu có thể tăng lượng axit folic tự nhiên cho cơ thể qua ăn uống nữa nhé. Loại axit này được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như:
– Thực phẩm có màu xanh lá cây, các loại rau lá mầm và cải bắp
– Các loại đậu như đậu tương
– Các loại trái cây như cam, bơ và cà chua
– Gạo nâu và các loại gạo còn nguyên cám khác
– Chiết xuất men
– Ngũ cốc bổ sung cho bữa sáng (Thành phần dinh dưỡng in trên bao bì sẽ cho bạn biết nếu nó có chứa axit folic)
– Qua sữa bầu: Tất cả các loại sữa đều ghi rõ thành phần, các mẹ nên đọc kĩ.
Giống như nhiều loại vitamin khác, axit folic tan trong nước và dễ dàng bị phân hủy khi nấu ăn. Do đó, mẹ bầu nên hấp, sử dụng lò vi sóng hoặc xào rau chứ không nên nấu sôi để bảo tồn được nhiều chất dinh dưỡng nhất có thể
Bổ sung bằng thuốc
Mỗi người sẽ cần một lượng axit folic trong cơ thể khác nhau, vì vậy liều lượng uống thuốc bổ sung axit folic cũng không giống nhau. Khi dùng vitamin tổng hợp, các mẹ cần lưu ý đến thành phần có trong đó: hàm lượng vitamin A sử dụng không được phép vượt quá 0,77 mg mỗi ngày. Nếu mẹ dư thừa vitamin A, bé có thể bị những dị tật bẩm sinh. Các mẹ cũng nên chú ý xem hàm lượng axit folic trong đó có đủ hay không, nếu không đủ (cho nhu cầu riêng của mẹ), có thể đổi loại thuốc khác. Nên dùng những loại thuốc được bác sĩ khuyên dùng, khi có nghi vấn, câu hỏi gì, cần hỏi ngay bác sĩ để được tư vấn. Nếu như không được bác sĩ cho phép, các mẹ cũng không nên bổ sung quá 1000 microgam (hay 1mg) axit folic mỗi ngày.
Những lưu ý khi uống axit folic:
– Nên uống axit folic giữa hai bữa ăn.
– Vitamin C sẽ làm tăng hấp thu sắt, do đó, có thể uống viên sắt – axit folic chung với nước cam hoặc nước trái cây.
– Tránh uống thuốc với nước trà, cà phê, rượu, sữa vì sẽ làm giảm khả năng hấp thu.
– Uống axit folic thường hay bị táo bón, vì vậy cần uống nhiều nước và ăn nhiều chất xơ.