Những thay đổi về da khi mang bầu
Những thay đổi ở làn da khi mang thai mẹ bầu nên biết, dưới tác động của các hormone thai kỳ, làn da của mẹ sẽ trở nên nhạy cảm hơn và dễ gặp các vấn đề về da như sạm da, da bị mụn, khô hoặc ngứa. Thế nhưng muốn sử dụng các sản phẩm dưỡng da trong giai đoạn này cũng thật là khó vì mẹ không biết liệu chúng có gây hại gì cho thai nhi hay không. Cùng xem làm thế nào để ngăn chặn và cải thiện với các vấn đề về da thường gặp ở phụ nữ mang thai nhé.
Tin liên quan: Bà bầu ăn hải sản thế nào cho tốt
1/ Sạm da
Làn da của phụ nữ vốn dễ bị tác động của ánh nắng mặt trời và tình trạng này càng “căng thẳng” hơn một khi bạn có thai. Hoạt động của các hormone thai kỳ đã vô tình “tiếp tay” cho ánh nắng để kích thích sự phát triển của các hắc sắc tố và kết quả là các mảng hoặc đốm nâu bỗng hiên xuất hiện quanh gò má, mũi, môi và trán.
Các đơn giản nhất để hạn chế bị sạm da là thoa kem chống nắng 30 phút trước khi ra khỏi nhà cũng như mặc áo khoác và đội mũ rộng vành. Ngay cả khi ở trong nhà, mẹ cũng nên sử dụng kem chống nắng hàng ngày vì các tia bức xạ có thể len lỏi qua cửa kính để tấn công làn da của mẹ. Nếu không có việc quan trọng, mẹ nên hạn chế ra ngoài vào khoảng thời gian 10-14h vì đây là lúc ánh nắng mặt trời gay gắt nhất và chứa nhiều tia cực tím có hại.
2/ Da nhờn và mụn
Hàm lượng progesterone tăng cao, đặc biệt trong những tháng cuối thai kỳ, sẽ khiến bạn có gương mặt lúc nào cũng bóng loáng như bôi mỡ tạo cảm giác vô cùng khó chịu. “Đồng minh” của progesterone là hormone androgen cũng kích thích sự hoạt động của tuyến dầu, làm bít lỗ chân lông và kết quả là những tên mụn xấu xí thi nhau “nở hoa” trên mặt của mẹ, trong đó đáng sợ nhất là mụn trứng cá!
Bạn không thể ngăn chặn sự thay đổi của các hormone trong cơ thể, do đó, bạn chỉ có thể tác động tới làn da từ bên ngoài thông qua việc rửa mặt ít nhất hai lần mỗi ngày và sử dụng các sản phẩm chăm sóc da mụn phù hợp cho phụ nữ mang thai. Nên chọn các sản phẩm dịu nhẹ cho da, chiết xuất từ thiên nhiên và không chứa dầu. Khi rửa mặt hay thoa kem cần nhẹ nhàng vì sự cọ xát chỉ làm các nốt mụn thêm nghiêm trọng.
3/ Da khô và ngứa
Ngược lại với tình trạng da bị nhờn và mụn, một số bà bầu lại nhận thấy có những vùng da trên cơ thể bị kéo căng, mẫn cảm, khô và ngứa như ở bụng, mông, đùi, ngực, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Mẹ còn có thể bị phát ban với những nốt màu đỏ nhạt ở quanh rốn.
Để làm dịu cảm giác nóng rát do những cơn ngứa mang đến, mẹ có thể đắp gạc lạnh hoặc gạc thấm sữa ấm. Với làn da khô, bạn cần rửa mặt với nước ấm và một loại sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa xà phòng và không mùi. Cuối cùng, nhớ tránh xa tất cả các loại mỹ phẩm có mùi thơm vì sẽ dễ gây kích ứng da.
4/ Rạn da
Thông thường, tình trạng rạn da thường xảy ra ở hầu hết 90% phụ nữ mang thai và hiện nay vẫn chưa có một loại thuốc nào thật sự có thể ngăn chặn hoàn toàn tình trạng này, kể cả những loại thuốc đặc trị. Tuy nhiên, vẫn có những cách giúp bạn hạn chế hoặc làm cho tình trạng rạn da không trở nên tồi tệ hơn.
Rạn da xuất hiện là do làn da không theo kịp mức độ tăng cân trong suốt thai kỳ của bạn. Vì vậy, điều chỉnh cân nặng hợp lý trong suốt thai kỳ là việc bạn nên làm nếu như muốn hạn chế bớt tình trạng này.
Tiếp theo, bạn có thể cân nhắc đến một số phương pháp giảm và ngăn ngừa rạn da bằng cách tăng độ ẩm cho da. Kem chống rạn da và những thực phẩm từ thiên nhiên như dầu dừa, dầu oliu, dầu hạnh nhân… cũng giúp da trở nên mềm mại và mịn màng hơn rất nhiều.